Bạn muốn tìm gì?
Danh mục |
Đang truy cập: 40 Trong ngày: 1523 Trong tuần: 10891 Lượt truy cập: 585608 |
Khi bạn nhìn lên bầu trời đêm, có vẻ như những ngôi sao đều tỏa sáng đơn lẻ.Nhưng một ngôi sao đơn lẻ nào đó có thể là một thành viên của một nhóm lớn các ngôi sao trong không gian. Nếu chúng ta quay ngược thời gian về hàng triệu năm trước, chúng ta sẽ thấy những ngôi sao của một trong những nhóm này cùng hình thành từ một đám bụi sao, còn được gọi là tinh vân.
Được biết đến là những cụm sao mở, những nhóm này với vài chục đến vài nghìn ngôi sao phân bố không đều, được hình thành từ những cánh tay xoắn ốc trong thiên hà Milkyway của chúng ta.
Ngoài các cụm sao mở còn có một loại cụm sao khác đó là cụm sao cầu. Các cụm sao cầu thực tế lớn hơn nhiều so với loại mở, chúng bao gồm hàng trăm nghìn hoặc hàng triệu ngôi sao có độ tuổi lớn. Khi nhìn chúng bằng mắt thường, bạn sẽ chỉ thấy những mảng sáng mờ, nhưng qua một chiếc ống nhòm sẽ cho thấy vô số các “viên ngọc quý”. Không như các tinh vân hay thiên hà, các cụm sao gồm cả cụm sao cầu lẫn cụm sao mở đều cho những cái nhìn chân thực nhất qua ống nhòm.
Dưới đây là danh sách 10 cụm sao sẽ khiến bạn phải trầm trồ khi quan sát chỉ với chiếc ống nhòm mà bạn đang có.
10 CỤM SAO KHÔNG THỂ BỎ LỠ KHI CÓ 1 CHIẾC ỐNG NHÒM
1. M13
Loại: Cụm sao cầu
Thời gian quan sát tốt nhất: Mùa Xuân
Vị trí: chòm sao Hercules (Héc – quyn)
M13 là một trong những cụm sao cầu tuyệt nhất với người quan sát ở bán cầu Bắc. Với điều kiện tốt, thiên thể này hoàn toàn có thể thấy được bằng mắt thường nhưng với hình dạng tròn cùng với độ sáng của nó thì đây sẽ là một cảnh tượng tuyệt vời qua một chiếc ống nhòm.
2. M45
Loại: Cụm sao mở
Thời gian quan sát tốt nhất: Mùa Đông
Vị trí: chòm sao Taurus (Kim Ngưu)
Còn được biết đến với tên gọi Pleiades hay cụm sao Thất Nữ , đây là một trong những cụm sao lộng lẫy nhất trên bầu trời. Với mắt thường, ta có thể thấy tới 6 ngôi sao trong cụm. Cụm sao này chứa tới hàng trăm ngôi sao, với chiếc ống nhòm ta có thể thấy hàng tá các ngôi sao với màu sắc xanh lam đặc trưng.
3. M7
Loại: Cụm sao mở
Thời gian quan sát tốt nhất: Mùa Hè
Vị trí: chòm sao Scorpius (Bọ Cạp)
Còn được biết là Cụm sao Ptolemy, thiên thể này có kích thước biểu kiến gấp 2 lần Trăng tròn. Với mắt thường, 80 ngôi sao trong cụm này xuất hiện như 1 đốm sáng chìm vào Dải Ngân Hà. Nhưng qua 1 chiếc ống nhòm, cụm sao sẽ thực sự trở nên dễ nhìn.
4. M5
Loại: Cụm sao cầu
Thời gian quan sát tốt nhất: mùa Hè
Vị trí: chòm sao Serpens ( Cự Xà)
Đây được là một trong những cụm sao cầu nhiều tuổi nhất từng được biết. Nó dễ dàng được tìm thấy qua ống nhòm và có hình dáng hơi dẹt. Những gì bạn sẽ thấy là một đám mờ chứa số lượng lớn các ngôi sao trong đó.
5. M35
Loại: Cụm sao cầu
Thời gian quan sát tốt nhất: mùa Đông
Vị trí: chòm sao Geminid (Song Tử)
Cụm sao này chứa trên 200 sao và chỉ có thể nhìn thấy bằng mắt thường vào những đêm trời trong và tối. Qua ống nhòm chỉ thấy được khoảng 20 ngôi sao sáng nhất.
6. M22
Loại: Cụm sao cầu
Thời gian quan sát tốt nhất: mùa Hè
Vị trí: chòm sao Sagittarius (Cung Thủ)
M22 có thể nhìn thấy dễ dàng bằng mắt thường, và là một vật thể tuyệt vời thông qua ống nhòm. Nó có kích thước lớn hơn M13, điều này làm cho nó trở nên ấn tượng. Cùng với vị trí nằm ngay trên Dải Ngân Hà khiến nó giống như là một viên ngọc quý trên chiếc vương miện.
7. M44
Loại: Cụm sao mở
Thời gian quan sát tốt nhất: mùa Xuân
Vị trí: chòm sao Cancer (Cự Giải)
Còn với tên gọi khác là cụm sao Tổ Ong, M44 chứa hàng trăm ngôi sao và có thể thấy được bằng mắt thường như một đốm sáng mờ. Với kích thước lớn của nó, ống nhòm là cách tốt nhất để quan sát M44, qua đó ta sẽ thấy hàng chục ngôi sao trong cụm sao Tổ Ong này.
8. M3
Loại: cụm sao cầu
Thời gian quan sát tốt nhất: mùa Xuân và mùa Hè
Vị trí: chòm sao Canes Venatici (Lạp Khuyển)
Đây là một cụm sao cầu tuyệt đẹp. Nó cũng có thể được nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng qua ống nhòm sẽ tiết lộ hình dạng tròn sáng của nó. M3 chứa khoảng 500.000 ngôi sao, một số lượng sao cực nhiều.
9. M15
Loại: cụm sao cầu
Thời gian quan sát tốt nhất: mùa Thu
Vị trí: chòm sao Pegasus (Phi Mã)
Nhìn giống như một phiên bản nhỏ hơn của M13 ở Hercules, đối tượng này là một mục tiêu lý tưởng để quan sát bằng ống nhòm. Nó xuất hiện như một đám sáng hình tròn với phần trung tâm khá nhỏ gọn, điều này tạo nên chiều sâu cho M15 khi quan sát.
10. NGC 869 AND NGC 884
Loại: Cụm sao đôi mở
Thời gian quan sát tốt nhất: mùa Thu
Vị trí: chòm sao Pegasus (Phi Mã)
Đây là cụm sao kì diệu khi có tới hai cụm sao nằm cạnh nhau. Chúng đều có đường kính 0,5 độ và dễ dàng quan sát bằng mắt thường. Hãy thử quét ống nhòm qua khu vực này – hàng trăm ngôi sao của chúng sẽ cho bạn một cái nhìn tuyệt đẹp.
————————————————————————————————-
VÀO NHỮNG ĐÊM TRỜI TRONG, HÃY ĐẾN MỘT NƠI CHỈ CÓ ÁNH SÁNG CỦA NHỮNG VÌ SAO VÀ ĐỪNG QUÊN ĐEM THEO MỘT CHIẾC ỐNG NHÒM. BẦU TRỜI SAO LUÔN LÀ MỘT MÀN TRÌNH DIỄN TUYỆT VỜI, CHỈ CHỜ CHÚNG TA TỚI VÀ THƯỞNG THỨC NÓ.
Theo tạp chí Sky at Night
Người dịch: Nguyễn Đạt
Ảnh: apod/nasa
Người gửi / điện thoại
Nhập số ĐT
|
|