Bạn muốn tìm gì?
Danh mục |
Đang truy cập: 37 Trong ngày: 1560 Trong tuần: 10819 Lượt truy cập: 582695 |
Năm 2015 đã khép lại với nhiều sự kiện thiên văn thú vị dành cho bạn quan sát. Năm 2016 này cũng vậy, rất nhiều sự kiện thiên văn chờ đợi bạn. Hãy cùng Ftvh – Vũ trụ trong tầm tay điểm qua 16 sự kiện nổi bật trong năm mới này nhé.
1. Ngay từ đầu năm, bạn đã quan sát được Mưa sao băng Quadrantid là cơn mưa sao băng lớn trong năm với trung bình từ 60 tới 120 sao băng mỗi giờ. Bạn hãy quan sát nó từ 3 giờ sáng ngày 4/1 tại hướng đông bắc ở khu vực chòm sao Bootes.
2. Sao chổi hai đuôi Catalina sẽ đạt độ sáng lớn nhất vào ngày 8/1, bạn đã quan sát được sao chổi này từ tháng 11 năm 2015. Vào ngày 8/1, bạn hãy tìm ra nó ở chòm sao Bootes gần sao Arcturus sáng màu đỏ cam của chòm sao này. Sao chổi sẽ mọc lên bầu trời từ nửa đêm và cao nhất vào 5 giờ sáng.
3. Một món quà cho chị em phụ nữ vào Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 khi Mộc Tinh sẽ đạt vị trí trực đối và trở nên quan sát tốt nhất vào ngày này. Sao Mộc sẽ mọc từ 6 giờ chiều, lên cao vào nửa đêm và lặn vào 5 giờ sáng ở chòm sao Leo gần chòm Virgo. Mộc Tinh sẽ có độ sáng biểu kiến là -2,0 trong đêm này.
4. Và vào ngày hôm sau, ngày 9/3, là sự kiện được chờ đón nhất trong năm 2016. Hiện tượng Nhật thực toàn phần, quan sát tốt nhất ở Indonesia. Ở Việt Nam chúng ta chỉ quan sát được nhiều nhất là 59% bề mặt Mặt Trời bị che khuất. Thời gian bắt đầu, thời gian che khuất cực đại và thời gian kết thúc nhật thực tương ứng ở các địa phương như sau : Cà Mau lúc 6:32, 7:31, 8:38, che khuất 57%. Sài Gòn lúc 6:35, 7:34, 8:41, che khuất 52%. Đà Nẵng lúc 6:46, 7:42, 8:44, che khuất 36%. Hà Nội lúc 6:56, 7:46, 8:39, che khuất 22%. Bạn có thể xem lịch trình đầy đủ tại địa chỉ trên màn hình.
5. Mưa sao băng Eta Aquarid với khoảng 40 sao băng mỗi giờ vào lúc cực điểm. Cực điểm của cơn mưa sao băng này diễn ra vào lúc 3 giờ sáng ngày 6/5/2016. Bạn hãy quan sát mưa sao băng Eta Aquariud từ 3 giờ sáng rạng sáng ngày 6/5 ở bầu trời hướng đông, ở khu vực chòm sao Aquarius (Bảo Bình).
6. Ngày 9/5 sẽ có hiện tượng Sao Thủy quá cảnh (hay đi qua) Mặt Trời, sự kiện này xảy ra khoảng 13, 14 lần mỗi thế kỷ. Tuy nhiên, ở Việt Nam sẽ không quan sát được hiện tượng này. Lần quá cảnh/đi qua của Thủy Tinh qua Mặt Trời năm 2016 này sẽ quan sát được ở Châu Phi, Châu Âu, Tây Á, Đại Tây Dương, Châu Mỹ và đông Thái Bình Dương.
7. Thổ Tinh sẽ đạt vị trí trực đối, tức là vị trí đối diện với Trái Đất và Mặt Trời. Vậy là nó sẽ trở nên tốt nhất cho bạn quan sát vào tối ngày 3/6. Bạn sẽ bắt đầu quan sát được Thổ Tinh từ lúc 6:57 chiều ở bầu trời hướng đông, và lặn dần vào lúc 4:48 sáng hôm sau ở chân trời hướng tây. Thổ Tinh sẽ có độ sáng biểu kiến là +0,2 trong đêm này.
8. Mưa sao băng Perseid là một cơn mưa sao băng lớn, với khoảng 80 đến 150 sao băng mỗi giờ vào lúc cực điểm. Cực điểm mưa sao băng Perseid năm 2016 là từ 20 giờ tới 22 giờ 30 ngày 12/8. Bạn hãy quan sát mưa sao băng Perseid từ 2 giờ sáng rạng sáng ngày 13/8 ở bầu trời hướng đông bắc, ở khu vực chòm sao Perseus và ngôi sao sáng Mirfak của chòm sao này.
9. Sao Kim và Sao Mộc giao hội vào ngày 27 tháng 8, hai thiên thể sáng nhất bầu trời (sau Mặt Trời và Mặt Trăng) sẽ gần như hợp lại làm một vào buổi tối này.
10. Một hiện tượng hiếm gặp nữa và một lần nữa Việt Nam không quan sát được nữa, làNhật thực Hình khuyên vào ngày 1/9. Nhật thực lần này sẽ quan sát tốt nhất ở Trung Phi, đảo Madagascar và nam Ấn Độ Dương. Mặt Trời sẽ bị Mặt Trăng che bề mặt, Mặt Trời và Mặt Trăng nằm chính xác trên một đường thẳng, nhưng kích cỡ biểu kiến của Mặt Trăng nhỏ hơn kích cỡ biểu kiến của Mặt Trời. Vì thế Mặt Trời vẫn hiện ra như một vòng đai rực rỡ bao quanh Mặt Trăng.
11. Và cuối cùng là mưa sao băng Geminid, đây là một trong ba cơn mưa sao băng lớn nhất trong năm với lượng sao băng từ 100 tới 120 mỗi giờ. Mưa sao băng Geminid năm 2016 sẽ đạt cực đại vào 14/12. Bạn hãy quan sát mưa sao băng này từ 22 giờ đêm 13/12 ở hướng đông, cho tới 4 giờ sáng 14/12 ở hướng tây, từ khu vực chòm sao Gemini.
Ngoài ra, còn các sự kiện không HOẶC KHÓ quan sát được nhưng cũng rất thú vị như sau :
1. Ngày 3/1 thì Trái Đất sẽ tới gần Mặt Trời nhất với khoảng cách 146,6 triệu cây số. Trong khi ngày 4/7 thì Trái Đất ra xa Mặt Trời nhất với khoảng cách 152,6 triệu cây số.
2. Sao Thủy sẽ tới xa nhất về hướng Tây vào ngày 7/2, 5/6 và 29/9, đây là thời gian tốt nhất để bạn quan sát được hành tinh này ở gần chân trời hướng đông trước khi Mặt Trời mọc. Và ngày 18/4, 16/8, 11/12 thì Thủy Tinh sẽ tới xa nhất về hướng Đông, đây là thời gian tốt nhất để bạn quan sát được hành tinh này ở gần chân trời hướng tây sau khi Mặt Trời lặn.
3. Nguyệt thực nửa tối sẽ xảy ra vào 23/3 và 17/9. Nguyệt thực nửa tối xảy ra khi Trái Đất nằm giữa Mặt Trời và Mặt Trăng, cả ba thiên thể nằm gần thẳng hàng nhau. Như vậy, Trái Đất sẽ che đi bớt ánh sáng từ Mặt Trời tới Mặt Trăng, kết quả là Mặt Trăng sẽ bị tối đi. Mặt Trăng không chuyển thành màu cam như Nguyệt thực Toàn phần.
4. Thiên Vương Tinh sẽ đạt vị trí trực đối vào 15/10. Nó sẽ mọc lên bầu trời từ 23:30 cùng chòm sao Pisces. Tuy nhiên, vì Thiên Vương Tinh nằm xa chúng ta, nên nếu bạn có quan sát qua kính thiên văn, thì cũng thấy nó như là một chấm xanh nhỏ.
5. Phi thuyền Juno của NASA dự kiến sẽ tới Mộc Tinh vào ngày 4/7/2016. Juno được phóng lên vào ngày 5/8/2011 ở bang Florida, Hoa Kỳ. Tàu Juno sẽ đi một vòng quỹ đạo qua hai cực của Mộc Tinh nhằm để khám phá thành phần, trọng lực, từ trường và từ quyển của nó.
---------------
Nguồn: FTVH - Vũ trụ trong tầm tay
Người gửi / điện thoại
Nhập số ĐT
|
|